Thời kỳ Bắc thuộc Dân_số_Việt_Nam_qua_các_thời_kỳ

Từ thời nhà Triệu cho đến thời kỳ Nam – Bắc triều

Sau khi nhà nước Âu Lạc bị Triệu Đà tiêu diệt năm 179 TCN, lãnh thổ và dân số Việt Nam bị sáp nhập vào các triều đại Trung Hoa, do đó việc thống kê nhân khẩu Việt Nam giai đoạn này phải dựa trên các ghi chép trong các bộ thư tịch cổ của Trung Quốc.

Triệu Đà chia lãnh thổ Âu Lạc cũ làm 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Bên dưới cấp quận không có đơn vị hành chính khác. Sử sách ghi nhận tại hai quận này có 60 vạn dân thời Triệu.

Đa số cư dân Nam Việt là người Bách Việt cũ cùng khoảng 100 ngàn người Hán di cư từ phía Bắc, nhóm này nắm giữ hầu hết chức vụ chủ chốt trong chính thể Nam Việt. Họ bao gồm con cháu của các thương gia, binh sĩ Tần được gửi xuống chinh phục phía nam với những thanh nữ phục vụ nhu cầu tình dục trong quân đội, các lại thuộc và cả tội phạm nhà Tần bị lưu đày. Người Âu Việt sinh sống tại khu vực phía tây Quảng Đông, họ tập trung chủ yếu dọc lưu vực các con sông như Tầm Giang, Tây Giang và khu vực phía nam sông Quế Giang. Những con cháu của Dịch Hu Tống, thủ lĩnh Âu Việt bị quân Tần giết vẫn nắm giữ vai trò là thủ lĩnh của các thị tộc Âu Việt. Đến khi Nam Việt bị Hán diệt, khu vực quận Quế Lâm đã có khoảng vài trăm ngàn người Âu Việt sinh sống. Các thị tộc Lạc Việt sinh sống ở khu vực ngày nay là nam Quảng Tây và bắc Việt Nam, bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông) và vùng tây nam Quý Châu. Họ tập trung tại các lưu vực Tả Giang và Hữu Giang Quảng Tây, đồng bằng sông Hồng ở bắc Việt Nam, và lưu vực sông Bàn ở Quý Châu.

Theo Tiền Hán thư (quyển 65), Địa lý chí của Ban Cố thì số dân giai đoạn cuối của nước Nam Việt (tương ứng với lãnh thổ 6 quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân thời Hán thuộc) khi quân Hán chiếm đóng nước Nam Việt năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (năm 111 TCN) đời Vũ Đế nhà Tây Hán như sau:

  • Quận Nam Hải có 6 huyện, 39.226 hộ, 188.506 người.
  • Quận Uất Lâm có 12 huyện, 31.037 hộ, 142.524 người.
  • Quận Thương Ngô có 10 huyện, 60.947 hộ, 365.481 người.
  • Quận Hợp Phố có 5 huyện, 30.796 hộ, 156.292 người.
  • Quận Giao Chỉ có 10 huyện, 184.758 hộ, 1.492.474 người.
  • Quận Cửu Chân có 7 huyện, 71.846 hộ, 332.106 người.
  • Còn quận Nhật Nam do nhà Hán mới đặt sau khi đánh chiếm Nam Việt, gồm có 5 huyện. Thời nhà Tân, Vương Mãng đổi gọi là Nhật Nam đình. Nhật Nam thời thuộc Hán có 30.927 hộ, 138.972 người.

Thời điểm Hai Bà Trưng khởi nghĩa (năm 40), ước tính Việt Nam có khoảng gần 2 triệu nhân khẩu. Khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng đã tiến hành đồ sát tù binh, quan lại địa phương và dân chúng từng giúp đỡ quân đội của Hai Bà Trưng. Do đó dân số Việt Nam thời đó có phần suy giảm.

Năm Quang Hòa thứ 7 (năm 184 SCN) đời Linh Đế nhà Đông Hán, quận Giao Chỉ có 11 huyện, 209.304 hộ, 1.387.144 nhân khẩu; quận Cửu Chân có 5 huyện, 93.026 hộ, 419.780 nhân khẩu; quận Nhật Nam có 5 huyện, 43.628 hộ, 138.952 nhân khẩu.

Sau khi nhà Hán sụp đổ, ở phương bắc hình thành cục diện Tam Quốc, lãnh thổ Việt Nam tương ứng với Giao Châu của Đông Ngô, do nhà Ngô đã tách Giao Châu cũ thành Giao Châu mới (Bắc và Trung Bộ Việt Nam) và Quảng Châu (bao gồm Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay). Ngay từ cuối thời Đông Hán khi loạn Hoàng Cân bùng phát, chiến tranh đã lan ra khắp Trung nguyên kéo dài suốt hơn trăm năm cho đến khi Tây Tấn tiêu diệt Đông Ngô, thống nhất thiên hạ. Trong suốt khoảng thời gian đó, chiến loạn triền miên dẫn đến dân số của Trung nguyên sụt giảm nghiêm trọng, và dân số của Giao Châu cũng bị kéo theo xu thế này. Theo ghi chép, khi nhà Tấn diệt Ngô đã tiến hành điều tra dân số toàn quốc thì đất Giao Châu chỉ còn hơn 53.278 hộ, 241.532 nhân khẩu. Cần chú ý rằng ở thời điểm này quận Nhật Nam đã bị Lâm Ấp chiếm mất nên đất Giao Châu thuộc Tấn chỉ còn ba quận Hợp Phố, Cửu Chân và Giao Chỉ, và cũng do lúc này chiến loạn mới dứt, thiên hạ chưa ổn định nên việc thống kê có thể không chính xác dẫn đến các con số ít hơn thực tế, khoảng một nửa hoặc một phần ba.

Sau khi nhà Tây Tấn sụp đổ do Loạn bát vương và biến động Ngũ Hồ loạn Hoa, Việt Nam lần lượt thuộc về Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Nam Lương, Nam Trần. Trong thời kì Nam-Bắc triều, chính trị phương bắc biến loạn liên tục, giao tranh liên miên nên có nhiều bộ phận dân cư chạy về phương nam, đa phần lưu trú ở Quảng Châu, một bộ phận chạy xuống tận Giao Châu, nhưng không nhập tịch nên các thống kê của quan phủ không đề cập đến họ. Năm 471 (thời Nam Bắc triều), nhà Lưu Tống tách khu vực Hợp Phố ra khỏi Giao Châu và hợp với một số quận khác để lập ra Việt Châu. Khi đó Giao Châu chia ra thành 8 quận, bao gồm: Giao Chỉ, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam, Nghĩa Xương, Tống Bình (Tống thư chỉ liệt kê tên gọi của 7 quận).

Thời Tùy - Đường

Năm 581, Tùy Văn Đế Dương Kiên kiến quốc, đến năm 589 thì quân Tùy nam hạ diệt Trần, lãnh thổ Việt Nam lại chịu sự cai trị của nhà Tùy. Năm Vũ Đức thứ 5 (622), nhà Đường sau khi lên thay nhà Tùy, đã đặt ra tổng quản phủ Giao Châu (Giao Châu tổng quản phủ), quản lãnh 10 châu: Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu, Long Châu, bao trùm miền Bắc Việt Nam. Quan đứng đầu phủ Giao Châu là đại tổng quản Khâu Hòa, vốn là thái thú Giao Chỉ.

Năm 679, Giao Châu đô đốc phủ đổi thành An Nam đô hộ phủ, chia làm 12 châu, trong đó có Giao Châu. Giao Châu mới bao gồm 8 huyện: Tống Bình, Long Biên, Chu Diên, Giao Chỉ, Bình Đạo, Vũ Bình, Nam Định, Thái Bình và chỉ là một phần nhỏ của miền Bắc Việt Nam. 11 châu còn lại là: Lục Châu, Phúc Lộc Châu, Phong Châu, Thang Châu, Chi Châu, Võ Nga Châu, Võ An Châu, Ái ChâuHoan Châu, Diễn Châu, Trường Châu. Quan cai trị An Nam đô hộ phủ gọi là đô hộ. Theo số liệu thống kê của nhà Đường, ở quận Giao Chỉ có 9 huyện 60.112 hộ; quận Cửu Chân có 7 huyện 33.286 hộ; quận Nhật Nam có 8 huyện 12.047 hộ, quận Ninh Việt ở phía đông bắc, gồm Khâm châu không rõ số dân; 3 quận mới chiếm của Lâm Ấp là quận Tỷ Ảnh có 4 huyện 4.305 hộ, quận Hải Âm có 4 huyện 2.405 hộ, quận Tượng Lâm có 4 huyện 2.457 hộ.

Đến trung kì thời Đường, nước Nam Chiếu của người Bạch nổi lên mạnh mẽ, trong khi nhà Đường lại suy yếu vì những xung đột nội bộ. Đường và Nam Chiếu thường xuyên xung đột, đỉnh điểm là việc quân Đường đại bại ở Hạ Quan, quân Nam Chiếu thừa cơ tỏa đi chiếm toàn bộ các vùng đất thuộc Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên ngày nay. Đồng thời, quân Nam Chiếu cũng thường xuyên xuôi dòng sông Hồng đánh phá An Nam thuộc Đường. Mỗi lần đánh phá An Nam, quân Nam Chiếu đều tàn sát dân địa phương, cướp đoạt vô số của cải. Nhà Đường tỏ ra bất lực và quân Đường chỉ quay lại khi quân Nam Chiếu đã rút đi.

Năm 863, Đoàn Tù Thiên lại tiến vào An Nam, đánh bại quân Đường. Sái Tập bị giết. Quân Nam Chiếu chiếm đóng và cướp phá, giết hại tới 15 vạn người Việt. Sau đó vua Nam Chiếu sai Đoàn Tù Thiên ở lại Giao Châu làm tiết độ sứ. Nhà Đường phải di chuyển Phủ Đô hộ An Nam đến Hải Môn.

Năm 864, nhà Đường sai Cao Biền làm An Nam đô hộ kinh lược chiêu thảo sứ sang đánh Nam Chiếu. Năm 865, Cao Biền tiến đến Nam Định, nhân lúc quân Nam Chiếu đang gặt lúa, bất ngờ đánh úp, phá tan quân Nam Chiếu. Tới năm 867, Cao Biền đánh bại hoàn toàn người Nam Chiếu tại An Nam, chiếm lại thành Tống Bình, giết chết Đoàn Tù Thiên, chém hơn 3 vạn quân Nam Chiếu. Từ đó sự xâm lấn của Nam Chiếu mới chấm dứt.

Nhà Đường chia nhỏ thành các phủ, dưới phủ là huyện rồi đến hương xã. Các xã cũng không đều nhau, có hạng lớn thì 40- 60 hộ, hương nhỏ từ 70-150 hộ, lớn từ 160- 540 hộ.

Năm 863, Đường Ý Tông thăng An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân, cho Cao Biền làm Tiết độ sứ, và sau là Cao Tầm, Tăng Cổn, Tạ Triệu, An Hữu Quyền, Chu Toàn Dục và Độc Cô Tổn. Năm 905, Độc Cô Tổn bị Chu Ôn đày đi Hải Nam và giết chết do không cùng vây cánh. Trong lúc nhà Đường chưa kịp cử quan cai trị mới sang trấn nhậm, một hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đã chiếm lấy thủ phủ Đại La, tự xưng là Tiết độ sứ. Chu Ôn đang mưu cướp ngôi nhà Đường, đã nhân danh vua Đường thừa nhận Khúc Thừa Dụ. Từ đó người Việt bắt đầu khôi phục quyền tự chủ. Tĩnh Hải quân lúc này gồm có 12 châu là Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Thang, Trường, Chi, Vũ Nga, Vũ An, Ái, Hoan, Diễn. Lãnh thổ 12 châu này bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, kéo dài tới phía bắc Hoành Sơn, thêm một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên sang thời nhà Ngô (939-967), lãnh thổ Tĩnh Hải quân chỉ còn 8 châu là Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn. Bốn châu: Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An thuộc về Nam Hán. Việc thu hẹp lãnh thổ phía bắc này không được sử sách ghi chép rõ. Không có ghi chép rõ ràng về dân số Việt Nam thời kì này.